Lễ ở làng và câu chuyện chiếc kính cận

Dễ cũng đến năm năm rồi tôi không về quê. Phần vì trường tôi học xa nhà đến hơn nghìn cây số, phần vì sau khi học xong, tôi được sắp xếp ở lại công tác tại một cơ quan trong thành phố, nơi tôi học. Thời gian đầu của một “lính mới” khiến tôi phải gồng mình lên để “chiến đấu”. Bận đến mức, cả tháng trời chẳng gọi về được cho nhà nổi một lần, nói gì đến việc về quê.
Vừa rồi, nhân có dịp nghỉ phép. Tôi đặt vé bay một mạch về quê. Về đến nhà thì trời cũng đã nhá nhem tối, chỉ kịp lên nhà từ đường thắp nén nhang cho tổ tiên, rồi xuống ăn cơm với bố mẹ. Sau đó leo lên căn phòng cũ, ngủ một mạch. Bố mẹ biết tôi mệt nên cũng không nói gì.
Hôm sau, sáng thức dậy lúc bảy giờ. Trời se se lạnh do đêm trở mưa giông. Tôi đi xa nhà lâu mới về nên chưa quen lại với khí hậu miền Bắc. Vừa tung chăn dậy, làm thủ tục buổi sáng xong xuôi với các bộ phận trên mặt, tôi mặc ngay chiếc áo len mẹ mới đan cho kích thước quá khổ của con trai và quàng cái khăn của cô bạn tặng từ thời cấp ba vào cổ, lững thững đi ra quán canh bánh đa cá rô đồng (quê tôi gọi phở là canh bánh đa). Định bụng, ăn sáng xong rồi về chở bố đi thăm hỏi bà con họ hàng gần xa. Vậy nên, dù lâu lắm chưa thưởng thức món canh cá rô đồng thơm ngon nổi tiếng của vùng quê mình, tôi vẫn cứ cắm đầu ăn cho xong để về. Nhưng…
Đang ăn, tôi chợt nghe bàn bên có tiếng xì xầm bàn tán. Câu chuyện có vẻ liên quan đến mình. Tôi vội nhìn sang, thấy một bác chạc tuổi bố đang chỉ về mình nói: "Mang tiếng có học, đi ra ngoài, biết nhiều, thế mà về làng, gặp họ hàng cũng chẳng thèm chào lấy một tiếng, cứ cắm đầu ăn như quân chết đói...". Nói rồi bác đó bĩu môi quay đi. Miếng bánh đa trong miệng chợt nghẹn ứ giữa cổ.
Tôi đứng dậy tính tiền và tiện thể hỏi bác chủ quán (bác cũng là người trong họ. Bài vai với bố tôi): "Bác, bác kia là ai thế?", tay tôi chỉ về bà bác lúc nãy hỏi. Bác đang làm canh cho khách. Nghe thế liền bỏ đó, quay sang nhìn tôi trân trân, liếc qua bác kia, rồi chửi: "Cha tiên sư bố nhà mày, đấy là bác N, con dâu ông H, anh em kết nghĩa của ông nội mày. Mày phải gọi bà ấy bằng bác đấy. Xời, mới đi có mấy năm mà quên hết họ hàng. Ngày mày còn bé, bố mày từng bế mày sang xin sữa bác ấy đấy con ạ!". Tôi chết điếng người. Thì ra là bác N, người từng cho tôi bú nhờ lúc nhỏ mà bố tôi hay nhắc. Sao tôi lại không nhận ra nhỉ? Mà sao mắt mũi gì chẳng nhìn rõ ai thế. Tôi đưa tay lên mặt sờ thì sực tỉnh là mình quên đeo kính...
Tôi vội chạy qua bàn bác và chào bác, mà vẫn chưa nhớ ra mặt bác. Khốn nạn, hình như bác thay đổi nhiều quá. Già tóc bạc hết cả. Khuôn mặt lam lũ của một người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời, đầy những nếp nhăn xô lại, khắc khổ. Còn thằng tôi, mắt mũi kèm nhèm chẳng thấy đâu vào đâu. Nói vài câu xã giao, tôi xin lỗi bác về sự sơ ý của mình và cũng không quên mời bác về nhà tôi chơi. Bác cười, hàm răng chẳng còn mấy chiếc. Vỗ vai tôi và chửi yêu: "bố tiên nhân cu T con (chửi yêu hay chửi tên bố và chữ con đi đằng sau), bác có giận mày đâu cơ chứ..."
Tuy bác nói không giận, nhưng tôi biết, mình đã trở nên xa lạ dần với mọi người. Trong đó, có những người một thời bao bọc tôi trong lòng. Xa lạ với làng, cái làng quê một thời tuổi thơ tôi từng gắn bó...
Lỗi, do tôi quên đeo kính cận chăng?

Bùi Văn Quang

Mộng và khứ… đi đâu về đâu?

Tối. Mà không, có lẽ là khuya. Hắn lóc cóc đạp xe về trên con đường quen thuộc của phố núi. Đường đèo quanh co và tối om. Trái ngược hoàn toàn với vùng sáng rực rỡ của phố thị xa hoa hoa mà từ đó hắn đi về. Phố núi, nơi ở của những người lao động nghèo… Mệt mỏi. Mồ hôi tuôn ra như tắm, ướt hết tấm lưng gồ ghề của hắn. Nhiều lúc, hắn muốn ngồi xuống nghỉ lấy sức. Nhưng hắn biết, đường về còn xa lắm. Nếu bây giờ hắn ngồi xuống nghỉ, hắn sẽ không có đủ khả năng để đạp xe lên dốc. Vì cái xe, tài sản duy nhất mà hắn có, cũng đã mệt mỏi sau bao năm đi cùng hắn, từ khi hắn còn là sinh viên. Thế nên, hắn vẫn cố nhoài người đạp chiếc xe cà tàng trên con đường dốc quanh co đầy sỏi đá. Bên phải là vách núi. Bên trái là vực sâu. Mà hắn thì gần như hết sức. Vừa đạp xe vừa tranh thủ "ngủ bù". Đã mấy lần hắn suýt tông xe xuống vực. Nhưng cứ như có một ai đó níu lại khiến tay lái của hắn đi đúng hướng.
Dựng chiếc xe đã rệu rã chẳng khác gì bản thân hắn vào góc nhà. Quẳng cái ba lô đồ nghề thợ nề xuống đất. Lau vội mấy giọt mồ hôi đang thi nhau chạy maratong trên mặt, tràn cả qua khóe mắt cay xè, thấm vào miệng mặn chát. Hắn biết, mình đã về nhà an toàn.
Lôi chiếc bánh mì nguội ngắt nguội ngơ mà ông anh ở cùng phòng kí túc xá trước, ra trường không xin được việc, giờ đang bán bánh mì que trên đường Nguyễn Thái Học, vừa đi học cao học, cho hắn hồi chiều trước khi đi làm ra bực thềm bằng đá núi đẽo bằng, ăn. Vừa ăn, hắn vừa nghĩ bâng quơ... Ban đầu thì hắn nghĩ đến cái bánh mì sao dai thế, làm hắn nhai đến mỏi cả răng mà chưa thấy đỡ đói xíu nào. Vậy mà, rốt cục cái bánh mì que cũng hết sạch. Và khi cái bánh tiêu tan hết thì hắn thấy khát nước. Hắn đi rót nước và uống. Bình nước cạn khô. Tìm khắp nhà không có nổi một giọt nước, hắn bắt đầu nổi cáu. Đang chuẩn bị đá thúng đụng nia thì hắn thấy can rượu dựng góc nhà...
Cầm can rượu lên, hắn bắt đầu đắn đo. Nên uống không ta?! có ai giải khát bằng rượu bao giờ. Bất quá, hắn thì đang khát. Thôi thì uống đại vậy. Giữa sa mạc, người ta còn dùng nước tiểu của chính mình để uống. Đằng này lại là rượu. Thế là hắn, một tay xách can rượu lên, tu một hơi thống thống khoái khoái. Sau đó khà một tiếng. Ban đầu thì chưa thấy gì. Nhưng bởi cái tật, cứ rượu vào là hắn lôi thuốc ra và bập. Điếu thuốc vừa rít được mấy hơi, hắn liền thấy đầu óc mình lâng lâng... hắn đã bị ngấm rượu.
Hắn ngồi thẫn thờ nhìn vầng trăng mười sáu đang treo lơ lửng trên đầu như bị thôi miên. Và hắn mơ, giấc mơ về những thời xa vắng. Thời mà hắn còn là sinh viên Văn khoa. Một hình ảnh đầy tự hào và đáng ngưỡng mộ trong lòng đám trẻ con làng hắn, ngày hắn vác ba lô nhập học… Một ước mơ mà hắn ấp ủ cùng những kì vọng của biết bao người về một tài năng văn học dần được nảy nở bằng những nỗ lực của hắn trên giảng đường, cũng như những “đóng góp” của hắn vào nghệ thuật con chữ suốt những năm tháng trên giảng đường đại học…Tất cả, đều sáng chói và tươi đẹp, lung linh những sắc màu…
Không biết bao nhiêu hình ảnh lững lờ trôi qua trước mắt hắn. Không biết bao nhiêu những điều tươi đẹp phủ lên trên thân xác bụi bặm và ám mùi mồ hôi trộn lẫn vôi vữa của hắn. Trong ánh trăng tròn đầy bàng bạc, thân xác cũng bàng bạc, thậm chí già nua, trong bộ quần áo sờn bạc của hắn, ngồi như tượng đá vọng lên trời cao. Một hình ảnh nhạt nhòa dần hiện ra... hắn lờ mờ thấy chị Hằng trong lòng hắn. Và, như người được đánh thức khỏi giấc ngủ triền miên suốt bao năm tháng, hắn nhảy dựng lên chẳng khác nào một đứa trẻ được mẹ đi chợ về cho quà. Hắn cứ nhảy tưng tưng như cào cào quanh thềm đá núi đẽo... Cuộc đời hắn, bao nhiêu năm làm người, từ khi biết đến thế nào là rung động với nghệ thuật, thì hắn đã bị cái hình ảnh gió và trăng ám ảnh đến điên dại rồi. Đã không biết bao lần, hắn bỏ số tiền ít ỏi nhận được từ những bài viết vô thưởng vô phạt trên những tạp chí hắn cộng tác ra để mua về cho mình những cơn say, để mong gặp được "chị Hằng" trong lòng hắn. Để hắn có thể kết tinh ra được một đứa con tinh thần đầy sắc đẹp. Nhưng hắn chưa hề toại nguyện. Nên hắn cứ lang thang mãi ở cái đất của người rao bán trăng này, mảnh đất mang cái tên Quy Nhơn, những mong một lần được “lột xác” như những tiền bối trước đó. Để chẳng phải đời thừa…
Và cho đến hôm nay, trong cái cảnh khốn cùng của một thằng làm đủ mọi nghề để sống, nhưng lại trừ văn chương, thì hắn vô tình được gặp lại cái hình ảnh đầy thi vị mà suốt một đời mơ mộng tìm về ấy. Hắn cứ nhảy múa như một thằng điên. Cho đến khi, hắn cảm thấy đất dưới chân hắn tự dưng biến đi đâu mất. Hắn nghĩ mình đang bay. Nhưng không…

Hắn nhìn xuống... hắn đã nhảy ra khỏi bờ vực.
Bùi Văn Quang

Lão thất tình…

(Viết dựa trên một câu chuyện có thật về người đàn ông điên trên đảo Lý Sơn)

            Lão có tên đấy chứ! Lão tên Trần Chí Nghĩa. Một cái tên rất kêu. Mà trò đời, cái tên ấy hình như vận vào đời lão. Chí Nghĩa, vì chữ “chí nghĩa” mà lão thành ra như ngày hôm nay. Dở chẳng ra dở, điên chẳng thành điên. Mà, trong mắt những con người gọi là tỉnh táo bình thường, như chúng ta, thì cái sự dở dở ương ương của lão được gọi là điên…

*
Vợ sắp cưới bỏ đi ngay trước ngày làm lễ thành hôn. Tôi sụp đổ hoàn toàn. Không đi tìm vợ, không gì cả. Suốt ngày, tôi giam mình trong phòng đốt thuốc (dù trước đó tôi không hề biết hút thuốc) và uống rượu. Toàn những đồ “thừa thãi” từ đám cưới dang dở; mặc cho gia đình cùng bạn bè khuyên nhủ đủ điều, tôi vẫn cố thủ trong phòng để dành tình yêu cho khói thuốc và men sầu. Và nghĩ. Hận. Và đau. Cứ thế, vài hôm thì tôi kiệt sức ngất đi rồi được đưa đến bệnh viện “đổi gió”.
Vứt cái balo còn vương đầy bụi đường xuống cuối giường, thằng Thọ “ghẻ” vừa thở vừa hỏi một tăng dài:
- Thế quái nào, mới hôm kia mày còn gọi điện mời tao về ăn cưới; làm tao bỏ việc, chạy từ bên Lào về, hý hửng tưởng được ăn cỗ; vậy mà… hôm nay đã thế này rồi. Vợ đâu?
            Tôi chỉ biết nhìn nó, cười nụ cười méo xệch chừng như sắp khóc mà không nói được gì thêm. Còn nó, thì cứ ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi mẹ tôi bấm nó ra ngoài nói chuyện. Nó đi rồi, tôi mới để mặc những giọt nước mắt tự do rơi trong câm lặng. “Thế quái nào…” Tôi cũng chẳng hiểu thế quái nào mọi việc xảy ra như thế thì làm sao trả lời nó được.
            Hai người nói chuyện rất lâu. Đến khi nó quay vào trong phòng thì vẻ mặt ngờ nghệch ban đầu đã đổi thành vẻ buồn bã. Cái mặt mốc xì như bị ghẻ của nó, bình thường đã chán. Giờ, nhìn còn chán hơn. Nó ngồi xuống mép giường, cầm lấy tay tôi mà không nói gì. Mẹ tôi biết ý, tránh ra ngoài để tôi với nó ngồi lại với nhau.
            Phải mất một lúc lâu, nó mới cất lời:
- Mày còn đủ sức lang thang với tao như ngày xưa hai thằng cưỡi xe máy chạy khắp mấy tỉnh miền Trung - Tây Nguyên không?
            Tôi đáp:
- Tao chưa chết được đâu!
- Thế thì đi. – Nói rồi nó thu dọn đồ đạc, lôi tôi ra khỏi giường bệnh theo cái cách bất quy tắc của nó từ trước tới giờ vẫn thế.
*
Hôm sau, tôi và nó đã có mặt ở đảo Lý Sơn, quê nó.
Nó dẫn tôi đi khắp nơi, giới thiệu với hết người nọ người kia. Làm mọi cách để lôi tôi lại nhịp sống bình thường. Và, như một sự sắp xếp sẵn, tôi được mấy anh bạn rủ lên gò Cỏ May… nhậu. Nhắc đến rượu, tôi lại rùng mình. Nhưng được chúng bạn “động viên” và kháo nhau rằng lên đấy ngồi nhậu mới đã, quạt gió, máy lạnh, máy điều hoà gì cũng không bằng. Cũng chẳng quán xá hạng sang nào bì kịp. Thế là tôi tặc lưỡi đi đại.
Mấy anh em chúng tôi “lai rai” cho đến gần khuya, trăng lúc này càng sáng tỏ, cả bọn ai cũng đã bắt đầu ngà ngà say. Tôi thì chẳng say nổi. Khung cảnh tĩnh mịch đêm trăng khiến tâm trạng của tôi chùng xuống rất nhanh. Cầm ly rượu nốc cạn, nhìn khắp gò Cỏ May trong đêm, tôi chợt nổi da gà khi thấy từ đằng xa, trên một con đường chạy ngang núi Giếng Tiền, có một cái bóng xiêu vẹo đến nghiêng ngả cả màn đêm. Đi vài bước lại ngã. Rồi một lát sau, cái bóng ấy ngật ngưỡng đứng dậy, xiêu vẹo bước về hướng chúng tôi đang ngồi. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu chuyện về ma quỷ hết sức rùng rợn mà mình đã từng được nghe trong những lần đi thực tế để viết bài cùng Thọ. Chợt nghĩ: “Hay đây! Tớ đang muốn gặp ma để xem, tớ tàn tạ hơn hay ma tàn tạ hơn!”. Lúc này, mắt của tôi vẫn không rời cái bóng khập khiễng ấy, càng ngày nó càng gần chúng tôi…
Thấy tôi nãy giờ câm như hến, Thọ mới khều và hỏi tại sao lại im ru vậy. Tôi chỉ tay về hướng cái bóng ấy, nhìn theo, cười ngặt nghẽo:
- Thôi đi cha nội, đấy có phải ma cỏ gì đâu, lão già thất tình đấy!
Nói xong, Thọ cầm ly lên và “dzô” thật lớn.
Thấy tôi có vẻ bần thần, ly rượu cầm mãi không chịu uống. Thằng bạn vỗ vai:
- Đó là lão Nghĩa, do quá thất tình nên mới hơi “điên điên” như vậy đấy. Nhưng mà lão nói chuyện hay lắm, tí lão đi ngang qua gọi lão vô ngồi cho vui. Cho mày tha hồ chia sẻ “kinh nghiệm” thất tình. Bọn trẻ trên đảo này yêu nhau, cứ có ý định chia tay nhau thì lại lấy lão ra làm gương mà hàn gắn tình cảm lại với nhau. Hài không chịu được… – Rồi nó lại cười lớn. Nụ cười hết sức vô duyên. Nhưng, rất nhanh, nó hạ giọng:
- Trông lão thật tội nghiệp!
Lão tới, và không đợi đến lời mời gọi thứ hai, lão ngồi xuống, “góp vui” bằng chai rượu loại 750 ml còn non nửa trên tay.
Dưới ánh sáng vàng đặc của trăng rằm, tôi mới có dịp quan sát lão. Người lão gầy đét, tóc dài loã xoã, râu mọc dài, đôi hàm răng rất trắng, mắt sáng. Mùi hôi từ người lão cho biết rằng, chắc đã nhiều ngày rồi lão chưa tắm. Suốt cuộc nhậu, lão không nói gì mà chỉ nhìn tôi. Chừng như lão muốn nói gì đó. Nhưng tuyệt nhiên không, lão chỉ uống và nhìn tôi qua đôi mắt sáng chất chứa đầy tâm sự.
Ngồi với chúng tôi được một chút thì lão đi về. Lão bảo: về ngủ để sáng mai còn đi làm”. Tất nhiên, lão không quên mang theo chai rượu.
Lão đi rồi, mấy anh em chúng tôi cũng rủ nhau đi về, dù rượu và mồi vẫn còn nhiều. Nhưng, tưởng được nghe lão kể về chuyện tình của lão, tự dưng lão đi, mất hứng hết.
Trên đường về, thấy tôi có vẻ băn khoăn, Thọ khoác vai tỉ tê:
- Lão nói đi về nhà chứ không phải nhà đâu, về hang đấy. Lão đào một cái hang gần bên đá Hai để ở
Rồi như đoán biết được tâm trạng của tôi, nó khều:
- Tao với mày đến “nhà” lão!
Hết gò Cỏ May, tôi cùng Thọ xổ dốc. Khi vừa hết dốc thì la lớn bảo đến nơi rồi. Ấy vậy mà còn phải chui qua mấy bụi sậy, băng qua mấy cái rẫy chúng tôi mới tới được “nhà” của lão. Khi băng qua con rẫy cuối cùng, chúng tôi thấy một cái hang nhỏ. Lão đang ngồi một mình ở một góc xéo cửa hang.
Thấy chúng tôi đến, lão đon đả:
- Lão biết thế nào chú cũng tìm đến mà. Nào, ngồi xuống đi!
 Tôi lôi từ túi xách ra chai rượu và mấy gói phồng tôm đặt xuống cái bàn đá đẽo của lão. Thấy vậy, lão cười khà khà và bảo:
- Đợi chút, anh nướng thêm con cá khô để nhậu cho đã.
Đặt ly rượu đã cạn xuống bàn, lão kể:
- Trước kia lão cũng có vợ con đàng hoàng chứ không như bây giờ. Gia đình lão hạnh phúc lắm. Vợ lão đẹp và yêu lão lắm! Nhưng, khi đứa con trai thứ hai của lão vừa biết đi, thì cũng là lúc vợ lão chạy theo tiếng gọi ái tình của người đàn ông khác mà không một lời giải thích. Từ đấy, căn nhà nhỏ đã từng là nơi chứa đựng những tiếng cười hạnh phúc trở nên vắng lặng đến kinh khủng. Lão không dám về đó nữa!
Không ai chăm nom, đứa lớn về với ngoại, đứa nhỏ sống với nội, còn lão thì lêu bêu trên những nẻo đường vô định với chai rượu lúc nào cũng thường trực trên tay… - kể đến đó, lão lại tự rót cho mình một ly rượu và uống cạn. Rồi lại tiếp tục tâm sự:
- Hồi trước lão đẹp trai, phong độ lắm chứ! Ấy vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, lão đã ốm nha ốm nhách rồi. Thiếu nước chết. Phần vì hận mình “bó tay” nhìn vợ đi theo nhân tình, phần vì nghĩ đến tâm trạng của hai đứa con trai lúc lớn lên, và vì phần quá yêu người đàn bà phản bội mà bỗng phút chốc, tất cả trong đầu lão sụp đổ. Thậm chí, người ta cho rằng lão đã bị điên vì suốt ngày lão cứ lang thang hết nơi này, đến nơi khác. Lục lọi hết nơi này đến nơi khác trên đảo để “tìm vợ”. Người ta đâu phải là lão đâu mà người ta biết chứ! – lão lại tiếp tục rót rượu – Thời gian đầu, lão lên nghĩa địa, nỗng núi để ngủ. Lão không dám về lại nhà. Không dám nhìn mặt con. Rồi, lão lên tàu vào đất liền, bắt xe đi vào Long Khánh (Đồng Nai) để lang bạt. Rồi chán, lão đi vào Sài Gòn với cuộc sống vất vưởng. Và lại chán, lão trở về đảo. Lúc bấy giờ, trong đầu óc lão hình như là không còn khái niệm về vệ sinh. Lão đi dọc bãi rác, gần cái “lô cốt” cũ của lão, nhặt những thứ gì có thể ăn được dù nó đã thối ra, mốc meo đến cỡ nào. Rồi, bão ập vào, quét sạch tất cả cái “môi trường sống” của lão.  Lão lên núi, đào hang để ở. Đây, cái “lô cốt” này đây…
Lão dừng lại và chiêu một ngụm rượu rồi nhìn ra xa xăm màn đêm trước mặt. Tôi thấy, mắt lão ầng ậng nước. Rồi, lão nhìn tôi, tôi nhìn lại lão. Im lặng. Một sự im lặng đến rợn người. Như mặt biển trước cơn sóng thần.
Thấy vậy, Thọ ghẻ mau mắn rót rượu ra ly, mời tôi, mời lão:
- Vợ nó bỏ đi ngay trước ngày làm lễ thành hôn!
- Lão biết!
- Không ai kể làm sao anh biết?
- Lão thấy nỗi đau trong mắt chú nó!
Lão cầm ly rượu lên để trước mặt, trầm ngầm một giây lát rồi mới uống. Xong, lão buông hai câu thơ: “Em ơi lửa cháy bình khô cạn / Đời vắng em rồi say với ai”. Và lão chồm lên, dí sát mặt lão vào mặt tôi. Lão nhìn tôi chằm chằm chừng như muốn xé xác tôi, cái tên thất tình im lặng nãy giờ. Nhưng không, lão chỉ gào lên:
- Lão ở hang, lão say. Người ta bảo lão điên. Điên mà thế này à? Lão không điên. Cuộc đời này mới điên. Sao lại chọn gia đình lão mà bày trò trêu đùa chứ? – Rồi rất nhanh, lão hạ giọng chua chát:
- Hồi lão mới “bị” cha mẹ, anh trai đã tốn rất nhiều công sức để tìm và bảo lão về nhưng lão không chịu. Vì khi về nhà, lão thấy lòng mình đau đớn lắm Lão không tìm được vợ lão, không mang được mẹ về cho các con mình… Vợ lão, con vợ phản bội ấy, lão đã gặp giữa Sài Gòn. Tàn tạ lắm. Cầm bàn tay gầy guộc của nó, lão bảo nó về. Nó nhất quyết không về. Nó chê lão nghèo. Nó bảo ở đảo làm vợ của thằng đánh cá không sướng. Nó đang hạnh phúc với tình nhân ở Sài Gòn hoa lệ. Lão không tin. Lão bám theo nó, nó kêu thuê người đánh đuổi lão bò lê bò càng, lão vẫn theo nó. Vì lão biết, nó không hề hạnh phúc. Lão vẫn đợi, đợi nó nghĩ lại, nó về đảo với lão, với con. Nhưng không, nó chết vì mắc bệnh hiểm nghèo, trong cảnh “giàu sang sung sướng” ở Sài Gòn. Nó chẳng còn sống để mà về làm vợ, làm mẹ. Khốn nạn thật. Hình như, lão điên từ đó. Có ai biết được đâu. Sao lại gọi lão là “lão thất tình”. Họ đâu phải lão mà họ hiểu chớ! Chú mày đâu phải lão mà hiểu chớ?! – Nói đoạn, lão gục xuống.
*
Thọ bấm tôi:
- Lão lại lên cơn rồi đó! Chuồn.
- Tao đâu thấy lão điên! – Tôi cự.
Thọ nổi cáu:
- Chứ mày muốn giống như lão rồi mới thấm hả? Về lẹ… - Chưa kịp để tôi phản ứng gì thêm, nó lôi tôi đi xềnh xệch như kéo xác chết. Và tôi cũng để mặc cho nó kéo đi cho đến khi cái hang và con người kia khuất khỏi tầm mắt. Tôi chẳng nghĩ được gì thêm. Hình ảnh người đàn ông đang gục xuống kia đã choán hết tâm trí tôi.
Với Thọ, với những người “tỉnh” ngoài kia; “lão thất tình” đúng là điên. Còn với lão, hay như cả với tôi, lão không điên. Lão chỉ khác người. Bởi một lẽ, lão đã bị cuộc sống mà chúng ta đang sống “đuổi” ra khỏi cộng đồng một cách tàn bạo nhất. Nó tước đi của lão những sự bình thường của một con người cần có và đang có. Rồi, như một sự thách thức ngầm, nó buộc con người ta đi tìm lại những giá trị đã bị cướp mất đó. Có người thì tìm lại được, có người không. Như “lão thất tình”. Thế thôi.


Bùi Văn Quang

Chuông lòng ai đánh mà ngân…

Tiếng chuông Nhà thờ vang lên từng hồi êm ả. Chiều buông, những cơn gió mang theo hơi lạnh thổi vào không gian yên bình của tu viện, lác đác vài hạt mưa nhẹ rơi. Thằng bé con chạy về phía bố, vừa chạy vừa ngoái nhìn người Sơ thân thiết. Người ấy cứ đứng nhìn theo cái dáng bé nhỏ của thằng bé cho đến khi anh giơ hai tay đón con vào lòng và bế nó lên. Dõi theo bóng con người ẩn sau lớp áo dòng tu đang bước vội về Tu viện, vừa đi vừa đưa tay lên mặt, chẳng hiểu sao và từ đâu, nước mắt cứ chảy dài trên gò má anh.

Có ai đang khóc đâu đây…
*
Gần mười năm trước. Một lần cùng người bạn đi lễ ở nhà thờ, trong khi chờ bạn vào hành lễ trong nhà nguyện, anh lang thang dạo bước trong khuôn viên vãn cảnh. Tình cờ, anh gặp một cô gái đang cúi nhặt những bông hoa sứ rơi đầy dưới chân. Anh cứ lặng ngắm khung cảnh ấy như bị thôi miên, cho đến khi người con gái ấy ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt đang nhìn mình đắm đuối thì cả hai như mới sực tỉnh khỏi cõi mộng. Ngượng ngùng, người con gái bỏ chạy, quên giỏ hoa.
Chẳng biết người ta là ai và ở đâu, nhưng hôm sau anh cứ đến nhà thờ, ngồi dưới hàng hoa sứ với giỏ hoa trên tay. Và, như một cái duyên, người con gái ấy cũng đến chỗ cũ.
Họ làm quen với nhau…
Mặc dù, đã không biết bao nhiêu lần, anh cố gắng nói nàng đừng yêu anh làm gì khổ thêm... mà nàng không chịu nghe. Cứ nhất quyết yêu dù chẳng biết kẻ ấy là con người như thế nào; chẳng biết, cái con người mà bạn bè nàng ai gặp cũng khen “nhìn tướng rất sang” kia rốt cục xuất thân ra làm sao? Nàng tự hào vì điều đó, mặc dù chẳng biết một tí tẹo nào về anh cả. Vẫn cứ yêu. Chỉ vì một giỏ hoa sứ lỡ bỏ quên.
Thời gian trôi đi bên những giỏ hoa sứ ngát hương…
Người ta nói nàng thông minh, nhưng anh thì không thấy điều đó, mỗi khi nàng ở bên anh. Nàng quá ngốc. Khi nàng từ bỏ thân phận tiểu thư khuê các của mình, từ bỏ cả những niềm vui nho nhỏ trước kia, để dành hết thời gian cho anh. Bên chiếc xe đạp cọc cạch, đi suốt những con đường phố biển… Như thế, biết ngốc mà vẫn ngốc, chẳng phải ngốc thì là gì?
Dù đã nhiều lúc, anh muốn nói với nàng, thật ra anh chỉ là một kẻ tha hương. Không nghề ngỗng, không nơi ăn chốn ở. Một kẻ mà một thời đâm chém, phải bỏ quê lang thang, rồi trôi dạt tới nơi này. Một thằng giang hồ rẽ lối, chẳng tốt đẹp gì... Nhưng chẳng bao giờ anh có thể nói ra. Bởi, mỗi khi bên anh, nàng cứ tíu tít đủ chuyện như một chú chim sẻ. Màu mắt thơ ngây cứ như trói trái tim anh lại. Thời gian trôi bao nhiêu thì anh lại nhận ra mình không thể sống thiếu nàng bấy nhiêu. Càng không thể sống thiếu nàng thì anh lại càng cố gắng thay đổi mình. Anh làm đủ mọi nghề, từ chở đá lạnh cho nhà hàng tới phục vụ quán nhậu. Cho đến sau cùng thì vào làm công nhân một công ty xuất nhập khẩu.
Công việc có vẻ ổn định. Anh bắt đầu tính đến chuyện ra mắt gia đình nàng. Nhưng… điều không thể ngờ tới, ngày anh ra mắt bố mẹ nàng cũng là ngày họ nhận ra, giữa họ không thể có một mối quan hệ nào khác ngoài tình bạn. Bố mẹ nàng và cả nàng đều là người theo đạo Thiên chúa, lại quan niệm thần thánh hóa dòng tu của mình. Họ không chấp nhận cho con gái lấy người ngoại đạo. Quan trọng hơn, họ chỉ có một người con gái, không muốn gả chồng xa. Mà những lúc ấy, nàng lại chỉ biết im lặng.
Không từ bỏ chỉ vì lý do hết sức vô lý ấy, anh đã tìm mọi cách giải thích để bố mẹ nàng hiểu, rằng anh sẵn sàng theo đạo, hay chấp nhận sinh sống tại nơi này, để họ có thể cho anh và nàng được ở bên nhau. Nhưng không, họ đã chỉ thẳng mặt anh mà tuyên bố: “Gia đình này không có chỗ cho những thằng đầu trâu mặt ngựa…” Và họ tìm mọi cách ngăn cản, từ cấm đoán đến đe dọa. Họ dư tiền bạc và quyền lực để có thể khiến anh vĩnh viễn biến khỏi mảnh đất này, biến mất mãi mãi khỏi cuộc đời họ. Trong những lần lén lút gặp nhau, anh đã tính cùng nàng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nàng lắc đầu. Tình yêu có lẽ không đủ lớn để nàng có thể từ bỏ gia đình mình, từ bỏ Chúa hay vì nàng lo sợ cho anh…
Rồi một ngày. Nàng gặp anh nói chia tay. Ánh mắt thơ ngây ngày nào và ánh mắt đẫm lệ ngày nào lúc ấy đầy cương nghị. Khi ấy anh biết, mình đã mãi mãi mất nàng. Anh không dám oán giận nàng, vì chính anh là kẻ đã yêu nàng trước và cuốn nàng vào tình yêu đầy ngang trái này. Trước khi chia tay, nàng nói muốn cùng anh uống rượu. Anh say, nàng say, tất cả đều chuếnh choáng, mụ mị cuộn vào nhau thèm khát... Anh đã ngủ thiếp đi, để mặc những giọt nước mắt không biết gì cứ lăn dài trên gò má.
Anh tỉnh dậy với một giấc mơ hạnh phúc nhưng nàng đã biến mất khỏi vòng tay anh. Những tháng ngày sau đó, trong tột cùng đau khổ, anh chỉ biết tìm về chốn cũ; chỉ biết trách hàng hoa sứ ngát hương ngày nào, khi ấy đã khô cằn, chỉ còn trơ cành trong chiều đông giá lạnh. Và rồi, anh đứng dậy, gạt nước mắt bước đi…
*
Ở tuổi ba mươi, anh đã là một người đàn ông thành đạt với cương vị giám đốc kinh doanh của một công ty cổ phần lớn nhất nhì thành phố biển, với lượng cổ phiếu chiếm đến non nửa thị phần công ty. Ai cũng nghĩ, anh chắc chắn sẽ là người cầm trịch công ty sau này. Nhưng…
Lãnh đạo công ty quở trách anh thậm tệ. Thậm chí Chủ tịch hội đồng quản trị phải gặp riêng anh nói chuyện vì ông ta đang nhắm chức phó tổng cho anh. Nhưng, con người ông ta cũng cổ hủ, lại bị những kẻ ghen ghét anh nhồi nhét một mớ kiến thức mà không biết chúng lôi đâu ra về quá khứ của anh; ông ta không thể chấp nhận một người như anh. Cũng đúng thôi, cơ sự như thế thử hỏi ai mà chấp nhận cho được. Rồi anh bị giáng chức vì nguyên nhân “Có vấn đề về thần kinh”. Đồng nghiệp nhìn anh bằng con mắt khinh bỉ lẫn thương hại, những kẻ ghen ghét với anh trước kia cố tỏ ra an ủi anh mà sự hả hê không trốn nổi khỏi ánh mắt.
Anh quyết định quay về với gia đình, nơi mà trước kia anh đã bỏ đi sau cơn tức giận từ con của người cha, cũng chút lo sợ, nhưng anh không ngờ gia đình vẫn đón anh về bằng tình yêu của những người ruột thịt. Vậy mà, anh lại khiến bố mẹ điếng người vì con trai tuyên bố đứa cháu họ đang ẵm trên tay là đứa con rơi của mình. Đứa con trai duy nhất biệt tăm biệt tích bấy lâu, lại một lần nữa khiến họ thất vọng. Vợ không chịu lấy mà có một đứa con rơi. Cãi cự qua lại, cái tôi cá nhân của anh lại nổi lên, anh lại ôm thằng bé bỏ đi. Rời xa gia đình rồi, anh thấy dường như mình vẫn chỉ là đứa bé ngày nào, thiếu suy nghĩ và hành động bồng bột, giọt nước mắt của một thằng đàn ông rơi xuống mặn chát, bố mẹ anh già đi nhiều quá!...
Mưa nhiều quá, mưa lao xuống cào toác màn đêm đen kịt, lạnh giá. Tiếng gọi kèm tiếng trẻ con khóc váng đêm khuya khiến anh quặn lòng, xô cửa lao ra, không một ai bên ngoài, chỉ có một chiếc nôi và một đứa bé đang cựa mình chòi đạp.
“Anh!
Em xin lỗi vì tất cả mọi chuyện!
Anh! Thật là đáng nguyền rủa khi em đã làm khổ anh nhiều mà bây giờ lại trao đứa bé này cho anh. Nhưng xin anh, hãy vì lòng thương hại mà cứu vớt lấy nó. Em không thể nuôi được con em. Em chỉ là kẻ khốn nạn.
Xin anh vì lòng thương hại, vì em lần cuối!”
Nét chữ quen và cái tên quen thuộc ấy, cái tên đã vô tình đóng cửa trái tim anh mãi mãi. Không giận, không oán, cũng không miễn cưỡng. Anh nhận thằng bé làm con, yêu thương nó như con đẻ của mình; chỉ bởi một lẽ, thằng bé là con của người yêu anh, người yêu duy nhất và mãi mãi. “Thằng bé vô tội, không đáng để bị hắt hủi, bị bỏ rơi”. Và cũng như một định mệnh, giữa anh với thằng bé có một sợi dây vô hình liên kết như ruột thịt.
Cô nhi viện Nhà thờ lớn là nơi anh gửi con để lo công việc. Thằng bé cần được ở với những con người nhân hậu nơi ấy, chỉ có nơi ấy mới khiến anh yên tâm về con. Rảnh rỗi lúc nào anh đến thăm con lúc ấy, đi đi về về như con thoi.
Năm năm trôi qua. Thằng bé dường như biết thân phận của mình nên rất ngoan. Không khóc, không nũng nịu, không giận hờn khi kiên nhẫn đợi chờ bố đến. Dường như, thằng bé hiểu nỗi vất vả của anh. Có lẽ các Sơ ở đây đã dạy bảo để con sớm biết sống sẻ chia và tự lo cho mình, anh thầm cảm ơn những người mẹ  đã bù đắp sự thiếu hụt tình yêu của cả cha và mẹ cho thằng bé. Mỗi lần anh đến thăm con, thằng bé vui lắm, nó luyên thuyên kể cho anh nghe mọi thứ chuyện, nó kể về các mẹ đã chăm sóc và yêu thương nó rất nhiều, sống mũi anh cay cay, dường như mọi mệt mỏi tan biến.
Hôm nay, anh có được một ngày nghỉ hiếm hoi, hình như ông trời cũng ủng hộ cho một buổi nắng nhẹ dịu dàng giữa những ngày mưa giông. Lần bước chân đến tu viện, anh sẽ để cho thằng bé ngạc nhiên khi bố đến thăm đột xuất. Kia rồi, dưới gốc cây muồng hoàng yến rực rỡ, một vị Sơ đang dậy thằng bé học. Ôi thiên thần của anh, thằng bé mới đáng yêu làm sao! Anh lặng lẽ tiến đến bên, thằng bé reo lên mừng rỡ, người Sơ bất giác ngẩng lên, trong giây lát, anh đứng chết lặng như không tin vào mắt mình.

Người ấy…

Mụ Chuột

- Con mẹ Thìn rõ là dở người – mụ bán cá đầu chợ vừa cân cá cho khách vừa nói oang oang, không cần biết có ai nghe mụ – Phải tôi á! Tôi ỉm luôn. Cả một gia tài chứ ít đâu. Phải không các bà?
          - Thì vưỡn! Cả cái làng này ai mà chả biết mụ dở hơi. – Mụ bán tôm bên cạnh chêm vào.
          Mụ bán mắm gần đó bồi thêm một cái bĩu môi:
- Xời! Đã dở hơi còn đèo bòng thêm một lũ dở dở điên điên. Đã thế, lại còn hay sĩ diện. Làng này, có mụ là một…
- Rõ khổ! Cái số trời đã định con người ta như thế chứ nào ai muốn vậy bao giờ. Mấy bà cứ quở người ta, phải tội chết. – Bà bán rau đối diện bên đường buông một tiếng thở dài…
Tất cả, cũng từ cái hôm định mệnh ấy…
*
Cả làng Bói hôm ấy xôn xao như ong vỡ tổ. Người ta cứ truyền tai nhau câu chuyện ngược đời của bà Thìn Chuột. Mấy mụ bán cá mua tôm ở góc chợ Hôm luôn là trang thông tin đại chúng đầu tiên đăng tải sự kiện nóng hổi của xã. Mấy cái miệng loa mép giải của các mụ còn nhanh và có hiệu lực truyền dẫn tốt đến mức, đài phát thanh xã buổi chiều đọc thông tin thì buổi sáng, cả chợ đã oang oang hết chuyện. Thành thử, dân tình cũng không mấy mặn mà lắm với cái loa phóng thanh đặt giữa trung tâm xã bao giờ. Cần biết gì, sáng sớm, ra chợ, mấy bà lê la qua hàng cá, đá qua mẹt tôm, ngồi chồm hỗm hóng chuyện bên hàng bánh canh cá rô đồng là rành rọt mọi chuyện. Mặt trời đứng bóng, chợ tan, ai về nhà nấy, mang theo cả mớ thông tin… chuyện trong nhà ngoài ngõ, việc làng việc nước truyền đi cứ gọi là nhanh như gió cuốn.
          Như chuyện của bà Thìn Chuột đấy thôi. Có gì đâu. Số là buổi sáng hôm ấy, bà đi quét chợ, thấy có cái cặp táp đen đen của ai đánh rơi góc đường, gần đống rác. Bà nhặt lên, tò mò rồi mở ra xem. Tiền ơi là tiền. Một cặp tiền polime. Bà sốc quá, ngã vật ra như bị trúng gió. Mụ bán cá gần đó thấy thế, chạy tới. Chưa hiểu mô tê gì, gào toáng lên:
- Ối làng nước ơi là làng nước ơi!
Mấy người hàng chợ nghe thế, giật mình quay sang. Thấy mụ đang ôm bà Thìn Chuột mà lay. Chẳng biết chuyện gì xảy ra, cũng chạy lại. Cả cái chợ thấy người chạy, cũng chạy theo. Xúm xít đông đen quanh đống rác. Thành thử, chẳng còn chỗ đâu để người ta thấy chuyện gì xảy ra. Chỉ nghe phong thanh đâu có người chết trong đó. Hình như là bà Thìn Chuột. Và thế là người ta đi gọi mấy ông dân quân xã đến.
Vốn là những người mẫn cán việc làng nước, nên mấy ông dân quân đến ngay sau đó. Họ dẹp đám đông xung quanh cũng nhanh như cái cách họ đến, bằng những câu cửa miệng: “Tránh ra xem nào, mấy cái bà này. Tránh ra cho người ta làm việc.”
Đám đông tản ra. Đến lúc đó người ta mới thấy toàn bộ sự việc mà nãy giờ cứ chen nhau, mãi chẳng ai hiểu chuyện gì xảy ra. Họ thấy, mụ hàng cá đang ôm bà Thìn Chuột trong lòng. Bàn tay còn dính đầy nhớt và máu cá của mụ hết day thái dương bên phải lại day thái dương bên trái của bà. Bà Thìn Chuột thì lại ôm cái cặp táp, nằm chết giấc trong vòng tay mụ hàng cá. Tất cả chỉ có thế, và người ta bắt đầu xôn xao bàn tán:
          - Chuyện gì thế nhỉ?
          - Bà Thìn làm sao kia?
          - Bà ấy ôm cái cặp gì không biết?
          - Sao lại cứ ôm khư khư mà nằm cứng đờ thế? Hay chết rồi?
          - Gở miệng! xem kìa…
          Bà Thìn bỗng đâu tỉnh lại. Ngơ ngác nhìn xung quanh. Ú ớ. Bà giơ chiếc cặp táp ra, lắc lắc. Rồi đưa ngay cho mấy ông dân quân đứng gần đó. Mấy ông mở ra. Tiền, một cặp tiền. Cả góc chợ, một đống người đứng quanh đó còn đang xôn xao bỗng im bặt. Tiền, cơ man là tiền. Dễ cũng đến vài trăm triệu. Miệng ai cũng há hốc chừng như sái quai hàm, không ngậm lại được. Đứng hình.
          Có lẽ họ còn “chết điếng” như thế nếu như bà Thìn không cất lời:
- Tôi nhặt được ở đống rác. Tôi nộp cán bộ…
Bà chưa nói hết nhời thì cả đám đông đã ồ lên. Họ nhao nhao như cá đớp mồi. Mà đớp hụt:
- Rõ điên!
- Thần kinh
- Dở hơi!...
Thì bà Thìn bị dở hơi thật mà. Điều ấy cần ai phải nói nữa. Cả cái làng này, ai chẳng biết bà dở hơi. Một sự dở hơi mà đến ngay cả những người dở hơi nhất trong làng cũng phải gãi đầu tự hỏi: “Dở hơi như thế là dở hơi kiểu gì?!”.
*
Bà Thìn vốn dĩ không phải dở hơi. Bà là con út trong một gia đình bần cố nông. Bà tuổi chuột nên bố mẹ đặt tên bà là Chuột. Hồi trẻ, tuy nhà nghèo, lam lũ từ nhỏ, nhưng bà đẹp có tiếng. Hàm răng bà đều như hạt bắp, đen nhánh. Mỗi khi bà cười, đôi môi cắn chỉ đỏ thắm cứ tươi như hoa. Ai nhìn thấy cũng phải mê đắm. Bao nhiêu trai làng say bà như điếu đổ, theo tán bà chết mê chết mệt mà bà không ưng ai cả. Bà chỉ ưng anh Thìn, chàng trai mồ côi, đi ở chăn trâu cho nhà ông Bá Trang… Sở dĩ, bà có cái tên Thìn Chuột bởi vì “hệ lụy” của quan niệm phong kiến còn rơi rớt lại đâu từ thế kỉ trước. Cái thời của bà…
Bà và ông Thìn yêu thương nhau. Nhưng một bên nhà nghèo, một bên lại côi cút. Chẳng có đám cưới đám treo gì hết. Hai người cứ thế về ở với nhau rồi thành vợ chồng. Mà cái lệ, đàn bà con gái, theo chồng thì người ta thường chỉ gọi tên chồng. Vì nhiều người còn thương bà nên vẫn gọi tên bà. Cái tên Thìn Chuột từ ấy mà ra…
Bà và ông Thìn ở với nhau được một thời gian thì kháng chiến nổ ra. Ông Thìn tham gia đội du kích. Rồi đi bộ đội. Ông đi trong khi hai người, chưa có với nhau nổi mụn con.
Bao nhiêu năm ông đi, bà vẫn ở nhà vò võ mong chờ. Nhiều lần, bà chết lên chết xuống với những tin ông tử trận. Nhiều lần, bà mang tiếng xấu vì tiếng đồn về bà cứ ngày một nhiều thêm, ngày một cứa sâu vào vết thương của người thiếu phụ chờ chồng trong thời chiến chinh. Âu cũng bởi, bà còn đẹp lắm. Ông Thìn lại chẳng biết còn sống hay chết mà cứ biệt tăm. Nhiều anh cứ theo bà đòi gá nghĩa. Tình ngay lý gian, thành thử, xóm làng đồn đãi. Mồm năm miệng mười, mỗi người một ý. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào của bà cũng thành đề tài bàn tán. Rồi không hiểu sao, cái bụng bà ngày một to ra. Người ta lại càng có cớ để nói bà nhăng nhít. Bà bỏ làng đi trong một đêm giông gió…
Mấy năm sau. Dân làng Bói ngỡ ngàng khi thấy bà Thìn trở về trong bộ dạng dở dở điên điên. Nhìn bà thế, nhiều người không nhận ra cô Thìn Chuột ngày nào. Nhan sắc tiều tụy. Gặp ai, bà cũng hỏi ông Thìn đã về chưa? Mà ông Thìn thì đã về lâu rồi. Về từ trước ngày bà bỏ làng đi. Giờ, tên ông đang ở trong nghĩa trang xã. Trên một nấm mồ không hài cốt… Gặp ai, bà cũng khoe thằng bé oặt ẽo trên tay là con trai của ông với bà. Chẳng ai dám nhắc cho bà nhớ, ông Thìn đã thành liệt sĩ từ lâu.
Riết rồi chẳng ai nói gì nữa. Cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến bà nữa. Cũng chẳng ai quan tâm chuyện gì đã xảy ra. Quan tâm làm gì nữa chứ. Hòa bình rồi. Lo mà làm ăn. Ai quan tâm đến “con mẹ dở người” ấy làm gì.
Hai mẹ con bà dựng cái chòi lá trên nền nhà xưa. Sống lủi thủi như những kẻ lạc loài.
Thi thoảng, người ta thấy bà bặt tăm một thời gian. Mỗi lần về lại dắt theo một thằng con. Mà thằng nào cũng dở dở ương ương cả.
Cứ thế, bao nhiêu năm trôi qua…
Thấy tình cảnh bà khổ cực. Xã có kiến nghị xây cho mẹ con bà căn nhà tình nghĩa. Bà cười, chẳng nhận. Mấy “đứa con” không biết rớt từ đâu xuống của bà, mấy ông trên xã tính đưa vào diện chính sách cho người bị bệnh tâm thần thì bị bà chửi xơi xơi. Bà bảo, con bà không có điên. Con của ông Thìn không điên. Mỗi lần như thế, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.
Chẳng ai nhớ đến việc, đưa bà vào danh sách vợ liệt sĩ…
*
Bà Thìn già đi lúc nào chẳng hay. Còn mấy đứa con trai của bà thì chẳng hề thay đổi, vẫn cứ ngặt nghẽo lê lết trên nền đất căn nhà tranh, chờ mẹ mang cơm về rồi ăn. Mà cơm ấy ở đâu ra? Cơm ấy bà Thìn đi làm thuê cho người ta. Ai bảo gì bà cũng làm. Cuối buổi, người ta cho ít đồng, bát gạo… Cứ như thế, mấy mẹ con bà sống qua ngày nhờ những việc lặt vặt trong làng ngoài xã. Bữa nào trong làng có đám hiếu hỉ gì, là hôm đó, mấy mẹ con bà lại được bữa ngon. Vì bà Thìn, tuy dở hơi thế, nhưng nhanh tay nhanh chân mà lại thật thà. Làm gì cũng đến nơi đến chốn, nên người ta cũng mến. Hơn nữa, cũng vì tội cho mẹ con bà nên người ta hay nhờ vả.
Bà chưa ngửa tay xin ai một đồng một cắc bạc bao giờ.
*
Cuộc sống đổi mới, xã làm lại chợ trên nền chợ Hôm cũ từ thời Pháp thuộc. Người ta gọi bà lên, giao cho chân vệ sinh. Bà vui vẻ nhận lời. Và chừng như, bà rất hài lòng với công việc mới. Bà coi chợ như nhà. Chợ lúc nào cũng sạch sẽ. Bà thành linh hồn của cái chợ lúc nào không hay. Thiếu bà, mấy bà hàng chẳng biết nhờ ai những việc vặt. Và những câu chuyện của cuộc sống mới mang hình bóng bà Thìn cũng gắn liền với cái chợ từ đó với câu hỏi quen thuộc khi gặp người lạ: “Bác có biết ông Thìn nhà tôi đâu không?”. Rồi chẳng đợi người ta trả lời, bà lại lủi thủi quét rác, và lẩm bẩm. Như câu chuyện bà nhặt được cặp tiền hôm ấy…
Chừng như, càng về già, tính dở người của bà dường như càng giảm đi nhiều. Bà không hay lẩm bẩm một mình, không hay hỏi về ông Thìn mỗi khi gặp người lạ như trước. Thi thoảng, người ta còn thấy bà ra nghĩa trang thắp hương trên mộ ông Thìn.

Bùi Văn Quang

Blog của tôi

Xem tất cả»

Góc tâm sự

Xem tất cả»