Cuối tuần, mấy anh em trong công ty rủ
nhau ra quán lai rai giết thời giờ, bàn đủ chuyện trên giời dưới đất. Trong lúc
cao hứng, Đăng, cậu bạn cùng công ty tôi nổi máu kể chuyện. Điều lạ lùng nhất
từ trước đến giờ. Vì Đăng nổi tiếng là người trầm tính.
Cầm ly rượu lên nốc cạn, cậu hỏi: “Các
anh có tin vào chuyện cổ tích không?” Rồi chẳng đợi ai trả lời, cậu lại tiếp:
“Tôi thì tôi tin đấy! Chuyện cổ tích thời @. Mà vì cái câu chuyện này mà tôi
khổ tâm mãi. Nhiều lúc tôi phát bực lên vì nó. Tôi muốn quẳng tất cả các anh
ạ…”
“Sao thế?”
“Cái ông anh chết tiệt của tôi đấy!
các anh nhớ chứ? Ừ, chính ông ấy. Ông ấy tốt đúng không? Các anh thấy rồi.
Nhưng cái tốt của ông ấy làm tôi muốn điên lên…”
Nghe đến đó, một người trong nhóm đập
bàn, quát: “Mày điên à? Có ông anh như mày, bọn tao còn mơ chẳng được nữa là…”
Đăng sửng cồ: “Anh thì biết cái gì?
Anh hiểu gì không mà nói?”
“Thì không biết mới cần chú kể chứ!?”
“Ừ thì kể… Câu chuyện này, tôi tạm đặt
tên cho nó là: “Ông Thiên sứ bị đày.”…
Đó là cách mấy người hàng xóm cứ hay buông lời đùa cợt mỗi khi thấy anh đi
qua. Tất nhiên, họ không hề có ác ý. Cái tên ấy bắt nguồn từ bác bảo vệ khu
trung cư. Ông hay chào anh mỗi sáng anh đi chợ về bằng câu cửa miệng: “Ông
Thiên sứ bị đày đi chợ về rồi đấy phỏng?!”. Những lúc ấy anh chỉ cười, ngồi lại
trao đổi cùng ông bảo vệ vài câu chuyện phiếm, uống vội một ngụm trà, rồi lại tất
tưởi chạy về nhà, trông cháu cho vợ chồng em trai đi làm. Cứ thế, bao nhiêu năm
trôi qua, anh đã trở thành “già làng” của khu trung cư lúc nào chẳng hay. Từ
già trẻ lớn bé, ai cũng biết, yêu mến và kính trọng anh. Ấy vậy mà không mấy ai
nhớ nổi tên anh là gì. Vì họ cũng “học đòi” ông bảo vệ, quen gọi anh là “ông
Thiên sứ bị đày”.
Câu chuyện trở về mấy chục năm trước…
*
Có lẽ, bố mẹ chỉ dự định sự tồn tại của mình anh trong căn
nhà nhỏ của gia đình tôi. Ông bà, bố mẹ chiều chuộng anh
hết mực. Anh làm như mình anh độc tôn trong vương quốc hạnh phúc ấy. Anh tha hồ
nghịch ngợm, quậy phá mà chẳng sợ ai la mắng điều gì. Mẹ kể về cái sự chiều
cháu của ông nội: “Hồi 5 tuổi, cái ngày đầu tiên ông nội dẫn anh mày đi học mẫu
giáo. Nó nhất quyết cố thủ ở trong gầm giường. Đến mức, ông phải đi mua kẹo dỗ
thì nó mới chịu chui ra. Mà thế nào nó đã chịu yên. Đi học buổi sáng, buổi trưa
thấy nó lóc cóc mò về, mặt mũi lấm la lấm lét. Hỏi nó sao bỏ về, nó bảo cô giáo
đánh nó, không cho nó học. Ông nội thương cháu đích tôn, cõng nó một mạch ra
trường học “bắt đền”. Ra đến nơi, ông gọi cô giáo ra hỏi chuyện. Đến lúc cô
giải thích thì… rõ khổ. Thằng cháu quý hóa của ông nào đã bị ăn roi nào. Mới
chỉ bị phạt đứng góc lớp bởi cái tội đánh bạn. Gớm, mới nứt mắt ranh…”.
Anh nổi tiếng ngang bướng. Nhưng cũng thông minh. Học giỏi có
tiếng trong vùng; cũng là “đại ca” có tiếng trong vùng. Nhiều lúc, bố muốn dạy
cho anh vài roi thì anh lại chạy núp đằng sau lưng ông nội. Thế là huề tiền. Và
cái gì đến cũng đến, có lần chàng hoàng tử lãng du là anh “ngã ngựa” vì yêu dại
ở cái tuổi chẳng còn là trẻ con. Anh nghĩ quẩn, suýt chút nữa bỏ lại mẹ cha đơn
độc trên cuộc đời. Bố mẹ sợ anh “lại nghịch nữa” thì… Suy đi tính lại, bố mẹ quyết định sinh tôi. Thế là, căn nhà của chúng tôi có thêm “chàng hoàng tử bé”. Bố mẹ lúc ấy
chẳng còn trẻ trung gì nữa, đã ngoại tứ tuần rồi. Còn anh, đã mười bảy, cái
tuổi dễ muốn mình được là số một. Ở tuổi ấy, sinh con đã khổ cho bố mẹ, anh
cũng chẳng được thoải mái. Thế nhưng, vì cái sự cổ hủ trong suy nghĩ về đứa cháu
đích tôn nối dõi tông đường của ông bà cho đến tận lúc nhắm mắt vẫn cứ đè xuống
đầu bố mẹ, nên buộc lòng phải làm như thế.
Việc mẹ mang bầu tôi đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ anh. Bụng
mẹ càng to bao nhiêu thì cái mặt anh sưng xỉa bấy nhiêu. Anh hay cãi mẹ. Hay bỏ
nhà đi lang thang đàm đúm. Tập tành rượu chè thuốc lá. Mà anh lớn rồi, chẳng ai
cầm roi đánh anh được nữa. Ai cũng nghĩ, thôi thì buông xuôi. Vậy mà, cái đêm
mẹ chuyển dạ, bố đi công tác xa nhà. Anh đã thay bố đưa mẹ đi nhà bảo sinh. Rồi
cũng chính anh sau đó đi làm giấy khai sinh cho tôi. Anh đổi khác hoàn toàn…
Mẹ kể: hồi nhỏ, mỗi khi anh dắt tôi đi chơi, gặp bạn, chúng
trêu anh: -“Mày dẫn con đi chơi hả?” rồi họ cười đùa, chỉ trỏ. Tôi sợ, ôm anh
khóc thét, anh dỗ dành tôi rồi không nói không rằng, anh xông vào “bọn láo
xược” đánh chúng tơi tả. Đánh xong, anh chỉ mặt chúng, nói: -“Từ giờ đứa nào còn
cười đùa, trêu chọc trước mặt em tao thì nhớ lấy trận đòn hôm nay”. Mẹ bảo: -“Anh
con sợ con buồn vì chuyện đó”. Lúc đó tôi đã biết gì đâu mà buồn!?...
Rồi anh đi học xa nhà. Những bức thư anh gửi về bức nào cũng
dặn tôi phải ngoan, cố gắng học hành, không được làm bố mẹ buồn. Tôi còn nhỏ
dại, chỉ biết nghe lời anh ngoan ngoãn học hành. Tôi đâu biết gì!
Anh ra trường, đi làm. Rồi có nhà riêng. Bố mẹ đã già đi
nhiều. Anh nài nỉ bố mẹ cho anh đón tôi lên thành phố ở với anh.
Mỗi lần anh em về quê
mẹ đều hỏi tôi anh có dẫn cô gái nào về nhà chơi không. Tôi đùa mẹ: -“Có! Anh
ấy dẫn nhiều cô xinh như mộng về chơi, nhưng hình như anh không ưng ý cô nào cả!”.
Bố mẹ gọi anh vào nhà nói chuyện. Mẹ thắc mắc sao chỉ có hai anh em về. Anh
cười, “Không hai anh em con về thì còn có ai về nữa!” Mẹ mắng: “Mày bao nhiêu
tuổi rồi mà còn lông bông hả!?” Anh xoa đầu tôi, cười: “Con mới hơn ba mươi mà”.
Bố mẹ chỉ biết nhìn anh, nhìn tôi, nước mắt lăn dài…
Rồi đến lượt tôi tốt nghiệp, đi làm. Anh thì đã ngoài bốn
mươi, bố mẹ lúc này yếu đi nhiều. Anh không về quê thường xuyên như trước. Anh
lao vào làm việc đến hốc hác. Mỗi lần tôi rủ anh về quê thăm bố mẹ anh đều
khất. Mặc anh, tôi rủ người yêu cùng về. Nhìn thấy tôi với cô ấy, bố mẹ vui như
Tết. Thế mà, tôi thấy bố mẹ vẫn không được thoải mái khi nhắc đến anh. Hình như
vì anh mải kiếm tiền, không về. Tôi đi, mẹ nhắn tôi nói anh về, anh vẫn không
chịu về, cứ quần quật làm việc. Sao anh bất hiếu thế!?
Ngày tôi lấy vợ. Anh đưa tôi giấy tờ nhà đất cùng một sổ tiết
kiệm. Anh nói: “Tặng em làm vốn!”. Tôi không nhận, anh quát: “Mày có coi anh là
anh không?” Tôi ngậm ngùi nhận số tài sản của anh mà rớt nước mắt. Tôi đâu có
thiếu tiền mà anh phải làm thế. Anh có đâu có biết, ngày đám cưới em trai mình,
nhìn anh mà mọi người cứ tưởng lầm là bố tôi không!?
Bố ốm nặng, anh bỏ hết công việc về chăm sóc. Vợ chồng tôi thì
bận đủ thứ, không về được. Bố không qua khỏi, trước khi ra đi bố gọi hai anh em
đến bên giường. Bố nhìn tôi, cười mãn nguyện. Nhìn anh, ánh mắt bố đau đáu; bố
muốn nói điều gì đó với anh nhưng không còn đủ sức nữa. Bố đi mà chưa an lòng…
Bố đi rồi mẹ cũng đi theo. Vẫn ánh mắt nhìn anh đau đáu, mẹ nhìn anh không đành
lòng. Hai anh em, chưa ai làm bố mẹ hài lòng…
Bố mẹ đi rồi tôi mới sực nhớ ra anh chưa vợ. Vợ tôi giới
thiệu mấy cô bạn trẻ đẹp cho anh, anh lắc đầu, cười: “Anh bao nhiêu tuổi rồi mà
còn vợ với con!?”. Bao lần cố gắng không được, chúng tôi chỉ biết ngán ngẩm
nhìn anh đi về một mình, cơm nước chẳng biết thế nào. Rồi vợ tôi sinh cháu, anh
mừng như con nít được quà. Anh bỏ hẳn công việc, chuyển đến ở với vợ chồng tôi.
Anh lăng xăng đi sắm đồ, mua sữa, mua sách dạy nuôi trẻ nhỏ, học cách nuôi trẻ.
Anh chăm cháu hơn mẹ chăm con. Bạn bè trong cơ quan vợ chồng tôi đến thăm, có
người biết, có người không biết. Người biết thì đùa: -“Trông “ông nội” vui chưa
kìa!”, người không biết thì nói: -“Có cháu nội có khác, trông ông vui hẳn!” Anh
cười, khuôn mặt anh không cười đã già rồi, anh cười nếp nhăn xô lại trông đến
tội. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi như xát muối vào lòng. Anh vẫn âu yếm đứa cháu nhỏ
và cười…
*
Nhìn anh những lúc ấy, tôi vừa thương vừa giận, vừa xót xa. Nhiều
lúc, tôi ước mình chưa bao giờ được sinh ra trên đời này. Chưa bao giờ là em
anh. Vì cứ mỗi khi nhìn anh, sao tôi thấy anh giống Thiên sứ, vị Thiên sứ không
cánh, Thiên sứ không ở trên trời... Thiên sứ cô đơn…
Câu chuyện kể xong thì đêm đã khuya. Trong ánh đèn mờ ảo của
quán cóc, chúng tôi thấy mắt Đăng dường như ươn ướt. Và cậu ta gục xuống. Không
biết, có phải do rượu không?
Bùi Văn
Quang
EmoticonEmoticon