Lễ ở làng và câu chuyện chiếc kính cận

Dễ cũng đến năm năm rồi tôi không về quê. Phần vì trường tôi học xa nhà đến hơn nghìn cây số, phần vì sau khi học xong, tôi được sắp xếp ở lại công tác tại một cơ quan trong thành phố, nơi tôi học. Thời gian đầu của một “lính mới” khiến tôi phải gồng mình lên để “chiến đấu”. Bận đến mức, cả tháng trời chẳng gọi về được cho nhà nổi một lần, nói gì đến việc về quê.
Vừa rồi, nhân có dịp nghỉ phép. Tôi đặt vé bay một mạch về quê. Về đến nhà thì trời cũng đã nhá nhem tối, chỉ kịp lên nhà từ đường thắp nén nhang cho tổ tiên, rồi xuống ăn cơm với bố mẹ. Sau đó leo lên căn phòng cũ, ngủ một mạch. Bố mẹ biết tôi mệt nên cũng không nói gì.
Hôm sau, sáng thức dậy lúc bảy giờ. Trời se se lạnh do đêm trở mưa giông. Tôi đi xa nhà lâu mới về nên chưa quen lại với khí hậu miền Bắc. Vừa tung chăn dậy, làm thủ tục buổi sáng xong xuôi với các bộ phận trên mặt, tôi mặc ngay chiếc áo len mẹ mới đan cho kích thước quá khổ của con trai và quàng cái khăn của cô bạn tặng từ thời cấp ba vào cổ, lững thững đi ra quán canh bánh đa cá rô đồng (quê tôi gọi phở là canh bánh đa). Định bụng, ăn sáng xong rồi về chở bố đi thăm hỏi bà con họ hàng gần xa. Vậy nên, dù lâu lắm chưa thưởng thức món canh cá rô đồng thơm ngon nổi tiếng của vùng quê mình, tôi vẫn cứ cắm đầu ăn cho xong để về. Nhưng…
Đang ăn, tôi chợt nghe bàn bên có tiếng xì xầm bàn tán. Câu chuyện có vẻ liên quan đến mình. Tôi vội nhìn sang, thấy một bác chạc tuổi bố đang chỉ về mình nói: "Mang tiếng có học, đi ra ngoài, biết nhiều, thế mà về làng, gặp họ hàng cũng chẳng thèm chào lấy một tiếng, cứ cắm đầu ăn như quân chết đói...". Nói rồi bác đó bĩu môi quay đi. Miếng bánh đa trong miệng chợt nghẹn ứ giữa cổ.
Tôi đứng dậy tính tiền và tiện thể hỏi bác chủ quán (bác cũng là người trong họ. Bài vai với bố tôi): "Bác, bác kia là ai thế?", tay tôi chỉ về bà bác lúc nãy hỏi. Bác đang làm canh cho khách. Nghe thế liền bỏ đó, quay sang nhìn tôi trân trân, liếc qua bác kia, rồi chửi: "Cha tiên sư bố nhà mày, đấy là bác N, con dâu ông H, anh em kết nghĩa của ông nội mày. Mày phải gọi bà ấy bằng bác đấy. Xời, mới đi có mấy năm mà quên hết họ hàng. Ngày mày còn bé, bố mày từng bế mày sang xin sữa bác ấy đấy con ạ!". Tôi chết điếng người. Thì ra là bác N, người từng cho tôi bú nhờ lúc nhỏ mà bố tôi hay nhắc. Sao tôi lại không nhận ra nhỉ? Mà sao mắt mũi gì chẳng nhìn rõ ai thế. Tôi đưa tay lên mặt sờ thì sực tỉnh là mình quên đeo kính...
Tôi vội chạy qua bàn bác và chào bác, mà vẫn chưa nhớ ra mặt bác. Khốn nạn, hình như bác thay đổi nhiều quá. Già tóc bạc hết cả. Khuôn mặt lam lũ của một người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời, đầy những nếp nhăn xô lại, khắc khổ. Còn thằng tôi, mắt mũi kèm nhèm chẳng thấy đâu vào đâu. Nói vài câu xã giao, tôi xin lỗi bác về sự sơ ý của mình và cũng không quên mời bác về nhà tôi chơi. Bác cười, hàm răng chẳng còn mấy chiếc. Vỗ vai tôi và chửi yêu: "bố tiên nhân cu T con (chửi yêu hay chửi tên bố và chữ con đi đằng sau), bác có giận mày đâu cơ chứ..."
Tuy bác nói không giận, nhưng tôi biết, mình đã trở nên xa lạ dần với mọi người. Trong đó, có những người một thời bao bọc tôi trong lòng. Xa lạ với làng, cái làng quê một thời tuổi thơ tôi từng gắn bó...
Lỗi, do tôi quên đeo kính cận chăng?

Bùi Văn Quang
Latest


EmoticonEmoticon