Thời bố ông còn là người có vai vế trong làng, ăn trên ngồi chốc; cái nhà thuộc vào loại bề thế nhất nhì làng. Gạch ngói xây nhà, lát nền, lát sân, đều mua tận Bát Tràng. Cột gỗ, xà nhà, cánh cửa… làm độc bằng gỗ lim, dao rựa chém không việc gì, càng để lâu càng lên nước, đen bóng. Sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối… toàn đồ quý cả. Tính đến nay, cái nhà cũng có cả trăm năm tuổi thọ. Trải bao năm tháng mưa gió, chiến tranh tàn phá, nó vẫn đứng hiên ngang giữa làng, như thách thức tất cả. Nhưng giờ đây, có lẽ nó chẳng còn trụ nổi…
Các con ông, đứa nào cũng thành đạt, điều kiện có dư; nhà cửa của chúng trên thành phố chẳng kém cạnh ai. Với chúng, việc bỏ ra một vài tỉ, xây cho ông một ngôi nhà bề thế, to đẹp hơn hết thẩy những ngôi nhà khác trong làng, chỉ là chuyện nhỏ. Không đời nào chúng lại để người cha ngoài tám mươi phải sống lủi thủi trong căn nhà cũ kĩ, đầy bất tiện. Thời buổi hiện đại, mà ông vẫn dùng giếng đào, quạt nan, nghe radio, nấu bếp củi…
Người lính già từng chiến đấu khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, bao năm qua vẫn sống lặng lẽ trong ngôi nhà cổ. Ngày ngày, ngoài việc lo hương khói, quét dọn từ đường, ông thường chăm sóc vườn cảnh, cùng mấy người bạn già đánh cờ, uống trà, ôn lại những năm tháng đã qua… Cuộc sống, tưởng cứ thế mà trôi đi, bình lặng đến hết đời. Vậy mà, các con ông vì cố làm tròn chữ hiếu, đã chẳng cho ông được hưởng sự thanh thản, lúc tuổi đã xế chiều…
Đã nhiều lần, chúng ngỏ ý muốn đón ông lên thành phố ở để tiện bề chăm sóc, ông cười lớn: “Bố đã già đến mức ấy sao!?”. Chúng bàn nhau phá bỏ ngôi nhà cũ, xây một ngôi nhà mới, ông biết được, mắng: “Đợi tao chết, chúng mày hãy làm gì thì làm”. Chúng nêu ra đủ các lí do: “Chúng con cũng chỉ muốn bố được sung sướng lúc về già; Bố ở vậy lỡ có gì bất chắc, chúng con ân hận cả đời; Mỗi lần vợ chồng con cái con về, bố lại phải vất vả chỗ ăn chỗ ở…” Ông không nói gì, đứng dậy bỏ ra bên ngoài vườn cảnh, ngồi tâm sự với “những người bạn” từ thời niên thiếu. Nhìn căn nhà, ông nhớ lại những ngày còn nhỏ… Bố ông, vì theo Cách mạng, bị bọn địch bắn chết giữa nhà. Trước lúc ra đi còn cố nói với ông lời cuối: “Con hãy gìn giữ ngôi nhà…”; Bố ông mất, mẹ ông theo gót chồng, ngày ngày tảo tần nuôi con, nuôi giấu bộ đội. Địch biết được, tra tấn hết sức giã man, chúng treo ngược bà lên xà nhà, đánh cho đến chết, bà vẫn không khai một lời. Ông không thể nào quên ánh mắt đau đáu của bà nhìn ông khi ấy… Lớn lên, ông đi bộ đội, ngôi nhà trở thành trụ sở ủy ban nhân dân xã, rồi nhà trẻ… Bao kỉ niệm buồn vui, từ lúc ông sinh ra, bao hạnh phúc, khổ đau, mất mát đều có ngôi nhà chứng kiến. Bài vị của tổ tiên còn ở trên bàn thờ, bên dưới vẫn còn nguyên căn hầm bí mật bao năm…
Các con ông, vì giận bố, hậm hực bỏ về thành phố, chẳng đứa nào thèm ở lại ăn cùng ông bữa cơm chiều mà ông đã chuẩn bị khi biết tin chúng về. Ông đã cất công ra chợ lựa những con cá rô đồng béo nhất để nấu món canh cá rô đồng chúng vẫn thích ăn. Chúng đi, nồi canh cá ai ăn?
Nhìn theo những chiếc xe khuất dần nơi đầu làng, lòng ông chợt trào dâng một nỗi buồn khôn tả, nước mắt ở đâu cứ lăn dài trên hai gò má gầy nhăn nheo…
*
Ông bệnh nặng, biết mình không thể qua khỏi. Ông nhờ người đến viết di chúc. Bản di chúc chỉ ghi được vẻn vẹn mấy câu: “Bố đi, các con hãy giữ gìn ngôi nhà, hương khói cho tổ tiên…”. Rồi ông đột ngột nhắm mắt.
Các con ông trên thành phố, chẳng đứa nào về kịp trước lúc bố lâm trung. Và bản di chúc ông viết, vẫn còn đang dang dở. Như những câu chuyện dang dở về cuộc đời một con người, một thế hệ, đã qua; Với bao trăn trở…
Bùi Văn Quang
EmoticonEmoticon