Mụ Chuột

- Con mẹ Thìn rõ là dở người – mụ bán cá đầu chợ vừa cân cá cho khách vừa nói oang oang, không cần biết có ai nghe mụ – Phải tôi á! Tôi ỉm luôn. Cả một gia tài chứ ít đâu. Phải không các bà?
          - Thì vưỡn! Cả cái làng này ai mà chả biết mụ dở hơi. – Mụ bán tôm bên cạnh chêm vào.
          Mụ bán mắm gần đó bồi thêm một cái bĩu môi:
- Xời! Đã dở hơi còn đèo bòng thêm một lũ dở dở điên điên. Đã thế, lại còn hay sĩ diện. Làng này, có mụ là một…
- Rõ khổ! Cái số trời đã định con người ta như thế chứ nào ai muốn vậy bao giờ. Mấy bà cứ quở người ta, phải tội chết. – Bà bán rau đối diện bên đường buông một tiếng thở dài…
Tất cả, cũng từ cái hôm định mệnh ấy…
*
Cả làng Bói hôm ấy xôn xao như ong vỡ tổ. Người ta cứ truyền tai nhau câu chuyện ngược đời của bà Thìn Chuột. Mấy mụ bán cá mua tôm ở góc chợ Hôm luôn là trang thông tin đại chúng đầu tiên đăng tải sự kiện nóng hổi của xã. Mấy cái miệng loa mép giải của các mụ còn nhanh và có hiệu lực truyền dẫn tốt đến mức, đài phát thanh xã buổi chiều đọc thông tin thì buổi sáng, cả chợ đã oang oang hết chuyện. Thành thử, dân tình cũng không mấy mặn mà lắm với cái loa phóng thanh đặt giữa trung tâm xã bao giờ. Cần biết gì, sáng sớm, ra chợ, mấy bà lê la qua hàng cá, đá qua mẹt tôm, ngồi chồm hỗm hóng chuyện bên hàng bánh canh cá rô đồng là rành rọt mọi chuyện. Mặt trời đứng bóng, chợ tan, ai về nhà nấy, mang theo cả mớ thông tin… chuyện trong nhà ngoài ngõ, việc làng việc nước truyền đi cứ gọi là nhanh như gió cuốn.
          Như chuyện của bà Thìn Chuột đấy thôi. Có gì đâu. Số là buổi sáng hôm ấy, bà đi quét chợ, thấy có cái cặp táp đen đen của ai đánh rơi góc đường, gần đống rác. Bà nhặt lên, tò mò rồi mở ra xem. Tiền ơi là tiền. Một cặp tiền polime. Bà sốc quá, ngã vật ra như bị trúng gió. Mụ bán cá gần đó thấy thế, chạy tới. Chưa hiểu mô tê gì, gào toáng lên:
- Ối làng nước ơi là làng nước ơi!
Mấy người hàng chợ nghe thế, giật mình quay sang. Thấy mụ đang ôm bà Thìn Chuột mà lay. Chẳng biết chuyện gì xảy ra, cũng chạy lại. Cả cái chợ thấy người chạy, cũng chạy theo. Xúm xít đông đen quanh đống rác. Thành thử, chẳng còn chỗ đâu để người ta thấy chuyện gì xảy ra. Chỉ nghe phong thanh đâu có người chết trong đó. Hình như là bà Thìn Chuột. Và thế là người ta đi gọi mấy ông dân quân xã đến.
Vốn là những người mẫn cán việc làng nước, nên mấy ông dân quân đến ngay sau đó. Họ dẹp đám đông xung quanh cũng nhanh như cái cách họ đến, bằng những câu cửa miệng: “Tránh ra xem nào, mấy cái bà này. Tránh ra cho người ta làm việc.”
Đám đông tản ra. Đến lúc đó người ta mới thấy toàn bộ sự việc mà nãy giờ cứ chen nhau, mãi chẳng ai hiểu chuyện gì xảy ra. Họ thấy, mụ hàng cá đang ôm bà Thìn Chuột trong lòng. Bàn tay còn dính đầy nhớt và máu cá của mụ hết day thái dương bên phải lại day thái dương bên trái của bà. Bà Thìn Chuột thì lại ôm cái cặp táp, nằm chết giấc trong vòng tay mụ hàng cá. Tất cả chỉ có thế, và người ta bắt đầu xôn xao bàn tán:
          - Chuyện gì thế nhỉ?
          - Bà Thìn làm sao kia?
          - Bà ấy ôm cái cặp gì không biết?
          - Sao lại cứ ôm khư khư mà nằm cứng đờ thế? Hay chết rồi?
          - Gở miệng! xem kìa…
          Bà Thìn bỗng đâu tỉnh lại. Ngơ ngác nhìn xung quanh. Ú ớ. Bà giơ chiếc cặp táp ra, lắc lắc. Rồi đưa ngay cho mấy ông dân quân đứng gần đó. Mấy ông mở ra. Tiền, một cặp tiền. Cả góc chợ, một đống người đứng quanh đó còn đang xôn xao bỗng im bặt. Tiền, cơ man là tiền. Dễ cũng đến vài trăm triệu. Miệng ai cũng há hốc chừng như sái quai hàm, không ngậm lại được. Đứng hình.
          Có lẽ họ còn “chết điếng” như thế nếu như bà Thìn không cất lời:
- Tôi nhặt được ở đống rác. Tôi nộp cán bộ…
Bà chưa nói hết nhời thì cả đám đông đã ồ lên. Họ nhao nhao như cá đớp mồi. Mà đớp hụt:
- Rõ điên!
- Thần kinh
- Dở hơi!...
Thì bà Thìn bị dở hơi thật mà. Điều ấy cần ai phải nói nữa. Cả cái làng này, ai chẳng biết bà dở hơi. Một sự dở hơi mà đến ngay cả những người dở hơi nhất trong làng cũng phải gãi đầu tự hỏi: “Dở hơi như thế là dở hơi kiểu gì?!”.
*
Bà Thìn vốn dĩ không phải dở hơi. Bà là con út trong một gia đình bần cố nông. Bà tuổi chuột nên bố mẹ đặt tên bà là Chuột. Hồi trẻ, tuy nhà nghèo, lam lũ từ nhỏ, nhưng bà đẹp có tiếng. Hàm răng bà đều như hạt bắp, đen nhánh. Mỗi khi bà cười, đôi môi cắn chỉ đỏ thắm cứ tươi như hoa. Ai nhìn thấy cũng phải mê đắm. Bao nhiêu trai làng say bà như điếu đổ, theo tán bà chết mê chết mệt mà bà không ưng ai cả. Bà chỉ ưng anh Thìn, chàng trai mồ côi, đi ở chăn trâu cho nhà ông Bá Trang… Sở dĩ, bà có cái tên Thìn Chuột bởi vì “hệ lụy” của quan niệm phong kiến còn rơi rớt lại đâu từ thế kỉ trước. Cái thời của bà…
Bà và ông Thìn yêu thương nhau. Nhưng một bên nhà nghèo, một bên lại côi cút. Chẳng có đám cưới đám treo gì hết. Hai người cứ thế về ở với nhau rồi thành vợ chồng. Mà cái lệ, đàn bà con gái, theo chồng thì người ta thường chỉ gọi tên chồng. Vì nhiều người còn thương bà nên vẫn gọi tên bà. Cái tên Thìn Chuột từ ấy mà ra…
Bà và ông Thìn ở với nhau được một thời gian thì kháng chiến nổ ra. Ông Thìn tham gia đội du kích. Rồi đi bộ đội. Ông đi trong khi hai người, chưa có với nhau nổi mụn con.
Bao nhiêu năm ông đi, bà vẫn ở nhà vò võ mong chờ. Nhiều lần, bà chết lên chết xuống với những tin ông tử trận. Nhiều lần, bà mang tiếng xấu vì tiếng đồn về bà cứ ngày một nhiều thêm, ngày một cứa sâu vào vết thương của người thiếu phụ chờ chồng trong thời chiến chinh. Âu cũng bởi, bà còn đẹp lắm. Ông Thìn lại chẳng biết còn sống hay chết mà cứ biệt tăm. Nhiều anh cứ theo bà đòi gá nghĩa. Tình ngay lý gian, thành thử, xóm làng đồn đãi. Mồm năm miệng mười, mỗi người một ý. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào của bà cũng thành đề tài bàn tán. Rồi không hiểu sao, cái bụng bà ngày một to ra. Người ta lại càng có cớ để nói bà nhăng nhít. Bà bỏ làng đi trong một đêm giông gió…
Mấy năm sau. Dân làng Bói ngỡ ngàng khi thấy bà Thìn trở về trong bộ dạng dở dở điên điên. Nhìn bà thế, nhiều người không nhận ra cô Thìn Chuột ngày nào. Nhan sắc tiều tụy. Gặp ai, bà cũng hỏi ông Thìn đã về chưa? Mà ông Thìn thì đã về lâu rồi. Về từ trước ngày bà bỏ làng đi. Giờ, tên ông đang ở trong nghĩa trang xã. Trên một nấm mồ không hài cốt… Gặp ai, bà cũng khoe thằng bé oặt ẽo trên tay là con trai của ông với bà. Chẳng ai dám nhắc cho bà nhớ, ông Thìn đã thành liệt sĩ từ lâu.
Riết rồi chẳng ai nói gì nữa. Cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến bà nữa. Cũng chẳng ai quan tâm chuyện gì đã xảy ra. Quan tâm làm gì nữa chứ. Hòa bình rồi. Lo mà làm ăn. Ai quan tâm đến “con mẹ dở người” ấy làm gì.
Hai mẹ con bà dựng cái chòi lá trên nền nhà xưa. Sống lủi thủi như những kẻ lạc loài.
Thi thoảng, người ta thấy bà bặt tăm một thời gian. Mỗi lần về lại dắt theo một thằng con. Mà thằng nào cũng dở dở ương ương cả.
Cứ thế, bao nhiêu năm trôi qua…
Thấy tình cảnh bà khổ cực. Xã có kiến nghị xây cho mẹ con bà căn nhà tình nghĩa. Bà cười, chẳng nhận. Mấy “đứa con” không biết rớt từ đâu xuống của bà, mấy ông trên xã tính đưa vào diện chính sách cho người bị bệnh tâm thần thì bị bà chửi xơi xơi. Bà bảo, con bà không có điên. Con của ông Thìn không điên. Mỗi lần như thế, người ta chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.
Chẳng ai nhớ đến việc, đưa bà vào danh sách vợ liệt sĩ…
*
Bà Thìn già đi lúc nào chẳng hay. Còn mấy đứa con trai của bà thì chẳng hề thay đổi, vẫn cứ ngặt nghẽo lê lết trên nền đất căn nhà tranh, chờ mẹ mang cơm về rồi ăn. Mà cơm ấy ở đâu ra? Cơm ấy bà Thìn đi làm thuê cho người ta. Ai bảo gì bà cũng làm. Cuối buổi, người ta cho ít đồng, bát gạo… Cứ như thế, mấy mẹ con bà sống qua ngày nhờ những việc lặt vặt trong làng ngoài xã. Bữa nào trong làng có đám hiếu hỉ gì, là hôm đó, mấy mẹ con bà lại được bữa ngon. Vì bà Thìn, tuy dở hơi thế, nhưng nhanh tay nhanh chân mà lại thật thà. Làm gì cũng đến nơi đến chốn, nên người ta cũng mến. Hơn nữa, cũng vì tội cho mẹ con bà nên người ta hay nhờ vả.
Bà chưa ngửa tay xin ai một đồng một cắc bạc bao giờ.
*
Cuộc sống đổi mới, xã làm lại chợ trên nền chợ Hôm cũ từ thời Pháp thuộc. Người ta gọi bà lên, giao cho chân vệ sinh. Bà vui vẻ nhận lời. Và chừng như, bà rất hài lòng với công việc mới. Bà coi chợ như nhà. Chợ lúc nào cũng sạch sẽ. Bà thành linh hồn của cái chợ lúc nào không hay. Thiếu bà, mấy bà hàng chẳng biết nhờ ai những việc vặt. Và những câu chuyện của cuộc sống mới mang hình bóng bà Thìn cũng gắn liền với cái chợ từ đó với câu hỏi quen thuộc khi gặp người lạ: “Bác có biết ông Thìn nhà tôi đâu không?”. Rồi chẳng đợi người ta trả lời, bà lại lủi thủi quét rác, và lẩm bẩm. Như câu chuyện bà nhặt được cặp tiền hôm ấy…
Chừng như, càng về già, tính dở người của bà dường như càng giảm đi nhiều. Bà không hay lẩm bẩm một mình, không hay hỏi về ông Thìn mỗi khi gặp người lạ như trước. Thi thoảng, người ta còn thấy bà ra nghĩa trang thắp hương trên mộ ông Thìn.

Bùi Văn Quang


EmoticonEmoticon