Đoạn kết của một câu chuyện cổ tích



Có những câu chuyện chỉ một người biết
Có những giấc mơ, đi là không bao giờ quay trở lại.
Tôi đã định giữ mãi câu chuyện này cho riêng mình. Và, sự thật là tôi đã giữ nó cho riêng mình được gần ba chục năm làm người. Đó là vì ông lão ăn mày ngồi dưới gốc đa đầu làng tôi năm ấy, người đã kể câu chuyện này cho tôi nghe. Chỉ một mình tôi nghe và tin câu chuyện của ông. Câu chuyện, bỗng nhiên trở thành bí mật không ai bắt giữ mà người kể không thể nói ra. Nhưng ở đời, có mấy ai nắm tay được cả ngày. Cũng như tôi, bí mật vô tình tôi buộc mình phải giữ năm ấy, nó cứ giày xéo trên cánh đồng tuổi thơ của tôi, một đứa trẻ không lớn lên bằng những câu chuyện cổ tích của bà. Cả một thời tuổi thơ chỉ được nghe một câu chuyện cổ tích của một ông lão ăn mày lạ hoắc. Câu chuyện cổ tích không có trong cổ tích. Để suốt những năm tháng sau này, ngay cả khi đã lớn lên rồi, nó cứ ám ảnh tâm trí tôi, như một lời nguyền mà tôi chẳng thể nào bước qua nổi…
Có lẽ tôi đã quên, hoặc giả để câu chuyện nằm im trong một góc kí ức, nếu như năm ấy tôi không làm “tổng đạo diễn” cho tiết mục kịch dân gian của tổ. Vì là một môn học trong nhà trường, cách thức thi qua môn của môn học lại không phải là chữ thầy trả thầy; giảng viên bộ môn yêu cầu các tổ phải trình diễn một tiết mục kịch chuyển thể từ thể loại truyện cổ tích. Khốn nạn cho cái thân tôi lúc ấy lại là tổ trưởng trong một tổ âm thịnh dương suy. Và nghèo. Không có tiền đầu tư như các tổ khác, cũng không biết chọn vở kịch nào cho phù hợp, khi mà cả tổ chỉ có ba mống đàn ông. Dưới sức ép của các chị em, tôi quyết dịnh “liều”. Thay vì chuyển thể truyện thành kịch như những tổ khác, tôi quyết định phóng tác.
Sau một đêm thức trắng viết kịch bản, theo những dòng hồi ức tuổi thơ, tôi “trình làng” các thành viên trong tổ, sẵn sàng chờ đợi một sự phản ứng tiêu cực từ anh chị em “diễn viên”. Mọi người đọc kịch bản xong đều ngước lên nhìn tôi. Không ai nói gì. Cảm giác lúc đó chẳng khác nào sự im lặng của mặt biển trước khi sóng thần nổi lên. Mồ hôi tôi đã bắt đầu rịn ra khắp người nhưng vẫn ráng để mình không bị run. Nhưng rồi, “cô Tấm” đứng lên. Cô là cô bạn bàn trên tôi thầm thương trộm nhớ bấy lâu mà không dám nói ra. Tôi ưu ái chọn vai Tấm trong vở kịch của tôi cho cô ấy. Cô đứng đó nhìn tôi, mọi người nhìn tôi. Tôi cảm giác mình gần như thất bại thì cô cười. Nụ cười của cô lúc ấy nó lạ lắm, như mang nắng vàng đến không gian u tối xung quanh tôi, thằng “đạo diễn” không giống ai. Cô nói chỉ một câu duy nhất: “Cậu diễn vai hề nhé!”. Mọi người cùng đồng thanh: “Diễn…”
Vở kịch đã được mở màn như thế…
*
Hồi ấy, đâu chừng tôi được bốn năm tuổi gì đó. Trong một lần chạy chơi cút bắt cùng đám bạn đồng trang lứa dưới gốc đa cổ thụ đầu làng… Có một ông lão ăn mày già nua đang ngồi dựa lưng vào một đoạn rễ đa mọc nhô trên mặt đất. Ông lão có vẻ mệt mỏi, nhưng ánh mắt vẫn dõi theo những bóng nhỏ đang chạy nhảy xung quanh, đầy trìu mến.
Cũng chẳng đứa nào thèm để ý. Ăn mày mà, ngày nào chẳng gặp. Ông lão kia cũng không ngoại lệ.
Kì cho đến khi bóng nắng đã lên cao quá đỉnh đầu, đứa nào đứa ấy mặt mũi tèm lem những bụi bẩn quện lẫn mồ hôi, thi nhau ngồi bệt dưới gốc đa thở dốc. Lúc này, cả bọn mơi chú ý đến ông lão ăn mày. Ông đưa tay khẽ vẫy:
- Chơi chán rồi phỏng? Nào! các cháu, hãy ngồi lại gần đây. Để ta kể chuyện cho các cháu nghe.
Đang còn băn khoăn không biết làm gì “xả hơi”, lại nhận được lời đề nghị khá hấp dẫn của ông lão, cả bọn lăng xăng chạy xúm lại.
Khi đứa nào đứa nấy yên vị tại chỗ, tề tựu đông đủ xung quanh ông, ông khẽ đưa tay vuốt tóc từng đứa:
- Các cháu có muốn nghe chuyện cổ tích không?
- Dạ có ạ!
- Ừ! Vậy ông sẽ kể các cháu nghe chuyện Tấm – Cám…
Ông lão còn chưa nói hết câu, cả bọn đã nhao nhao phản đối:
- Không… - rồi chạy biến. Chừng như chúng cũng hết mệt và còn nhiều trò chơi thú vị hơn câu chuyện cũ rích của ông lão.
Trong khoảnh khắc, đám trẻ đã bốc hơi không để lại dấu vết. Chỉ có một cậu bé là còn ngồi nán lại ở phía vòng ngoài của đám trẻ khi nãy. Nó ngước ánh mắt đầy thơ dại lên, vẻ cầu khẩn:
- Ông kể đi ông!
- Tại sao cháu lại muốn nghe câu chuyện đã nghe đến thuộc rồi, cháu bé?!
- Không, cháu chưa được nghe. Cháu không có bà, không có mẹ. Không ai kể chuyện cổ tích cho cháu nghe cả!
Ông lão ăn mày khẽ đưa bàn tay gầy guộc lên vuốt mái tóc tơ của cậu bé. Ánh mắt mờ đục của ông nhìn ra xa xăm, như nhớ về kỉ niệm của một thời quá vãng, ông chậm rãi kể…
*
Có một người không được nhắc đến trong câu chuyện Tấm Cám. Người ấy, là một chú hề. Cháu có biết vì sao không? vì chú là một chú hề. Ừ, là một chú hề…
Chú hề ấy, không đơn thuần chỉ là một chú hề bày trò mua vui. Chú là ai nhỉ? Với vẻ mặt đăm chiêu của một vị trung thần luôn kề cận bên vua, lo nỗi lo của vua, buồn nỗi buồn của vua, vui với nỗi vui của vua,… sống vì sự bình yên của bàn dân thiên hạ. Chú là một vị quan không chức phẩm. Và, ở một vị trí khác, chú lại là một người bạn của vua. Số là, hai người vốn sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm; chỉ khác một điều, vua là dòng giống hoàng tộc, còn chú là con của bà bếp. Và lẽ tất nhiên, con vua thì lại làm vua. Còn chú, con bà bếp thì lại làm anh bếp. Nhưng cái sự xoay vần của con tạo thật khéo vô tình, đã để một chú bếp con được làm bạn với một ông vua con. Bởi cái tật nghịch ngợm phá phách, hay đi nếm đồ ăn của mình, vua con đã gặp chú bếp con. Thế là họ quen nhau rồi chơi thân với nhau. Trẻ con mà, làm gì có quan niệm thứ bậc chứ…
Cứ thế, hai người quấn quýt như tay với chân cho đến tận khi lớn lên. Khi ấy bà bếp cũng đã mất, chú muốn về lại quê cũ, vua nhất quyết chẳng cho. Mà chú thì đâu có ham công danh tước vị; thế nên, chú đành sắm vai một chú hề ở bên cạnh vua, cho vua vui lòng…
Cứ như thế, bao nhiêu năm trôi đi.
Ngày ấy, nhân mùa trẩy hội xuân. Trong cảnh thái bình thịnh trị, chú hề tháp tùng vua đi dự hội. Cũng là để tìm trong khắp thiên hạ những mỹ nhân mớ ba mớ bảy ngoài kia một ý chung nhân cho vua. Vua đã lớn tuổi. Cũng đến lúc cần gác lại việc chính sự mà kiếm tìm cho mình một vị mẫu nghi thiên hạ, giúp vua gánh vác việc nội chính. 
Khi qua một vũng lầy, chú vô tình trông thấy một chiếc hài thêu kim tuyến rất đẹp. Chú vội lượm lên, ngắm nghía. Chú chắc mẩm, người đánh rơi chiếc hài này hẳn là một người rất mực quý phái,… chú cảm giác, đây sẽ là giai nhân của vua. Nghĩ vậy, chú dâng lên cho vua xem. Rồi cũng chính chú, là người đưa ra chủ kiến "thử hài tìm vợ" cho vua. Cũng chính chú đã dẫn Tấm đến bên vua...
Những ngày tháng tiếp theo, với những gian truân của Tấm, chú luôn là người ở bên an ủi vua những lúc vắng bóng vợ hiền. Rồi lại tìm mọi cách qua mặt mẹ con Cám, thậm chí cam chịu cực hình của Cám, giúp Tấm trong những hình hài khác được gần gũi bên vua... Cho đến sau cùng, mẹ con Cám chết. Lần cuối, người đưa Tấm về yên ấm bên vua lại vẫn là chú; thì cũng là lúc chú hề cảm thấy mình đã nhìn Tấm bằng ánh mắt khác. Điều mà với thân phận một chú hề như chú, không bao giờ được phép nghĩ đến.
Nhìn vua cùng Tấm hạnh phúc bên nhau, trong lòng chú chợt trào dâng một nỗi buồn khôn tả. Chú nhìn những lầu gác nguy nga, nhìn lại vua, nhìn lại Tấm, rồi nhìn vào chính mình. Nhiệm vụ của chú đã hoàn thành. Nơi này, dường như không còn chỗ cho chú nữa rồi. Phận tôi tớ, phò vua giúp nước bấy lâu, cũng chỉ mong mỏi một điều, xã tắc yên bình, muôn dân no ấm. Nghĩa bạn bè tri âm tri kỉ, thấy “bạn” vui vầy bên hạnh phúc riêng thì cũng đã vui biết bao nhiêu. Còn kiếp thằng hề mua vui, đâu cũng được một vài trống canh cho kẻ tìm vui trong ngặt nghẽo. Mà giờ,… âu cũng là số phận con người. Nén một tiếng thở dài, chú lặng lẽ khăn gói quả mướp, ra đi…
Từ đó, luôn có một chú hề ngao du khắp chốn nhân gian, đem nụ cười đến khắp nơi. Bao nhiêu năm như thế. Trong cảnh thái bình thịnh trị...
- Thế, chú hề có còn trên đời không vậy ông? – cậu bé ngước đôi mắt ngây thơ hỏi.
- Chẳng ai biết chú đi đâu những năm tháng cuối đời. Có người nói, chú đã chết. Có người nói chú về lại cung vua... Còn ta, ta nghĩ chú vẫn còn ở lại nhân gian. Nhưng, có một điều chắc chắn, chú đã chẳng thể nào làm trò cười được nữa.
Câu chuyện kết thúc. Ông lão ăn mày khẽ đưa vạt áo lau giọt nước mắt ngầu đục đang vô thức lăn dài trên gò má gầy nhăn nheo. Ông quay sang nhìn cậu bé, cố gắng làm một bộ mặt hề chọc cười cậu bé. Rồi, ông gượng chống gậy đứng lên, chậm rãi đi vào lòng nhân gian. Bóng chiều soi chênh chếch một thân ảnh mơ hồ, như có, như không…

Bùi Văn Quang
28 Trần An Tư, phường Ngô Mây
TP Quy Nhơn, Bình Định.
Sđt: 0975778441


EmoticonEmoticon